Đặc sản bánh tét lá cẩm Cần Thơ

Bánh tét đối với người miền Nam, đặc biệt là miền sông nước Cửu Long gần gũi và thân thuộc như món cơm hàng ngày. Trong sự thân thuộc phổ biến đó cũng chứa đựng những nét đặc trưng độc đáo mà những nơi khác không có, điển hình như món bánh tét lá cẩm Cần Thơ - ghi dấu khá đậm nét trong nền ẩm thực miền Tây Nam Bộ nói chung.

Những thương hiệu bánh tét lá cẩm nổi tiếng ở Cần Thơ có thể kể tên: bánh tét của nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng, bánh tét Chín Cẩm, bánh tét Tư Đẹp… Chính “Vua đầu bếp” Martin Yan - người rất nổi tiếng với trên 3.000 chương trình dạy nấu ăn “Yan Can Cook” được phát trên sóng truyền hình nhiều nước trên thế giới - đã chọn bánh tét lá cẩm là một trong ba món ăn dân dã của Cần Thơ phát trên sóng truyền hình TP.HCM vào đầu tháng 12 năm 2012.

Loại nếp được dùng để làm bánh tét này phải là nếp ngon, ngâm với nước lá cẩm để có màu tím hồng rất bắt mắt. Lá cẩm tươi luộc lên với một ít nước, sau đó ngâm với gạo trong khoảng 8 giờ mới tạo ra màu sẫm đẹp.

Nếp sau khi ngâm được xào với nước cốt dừa, nêm nếm muối, đường, xào trên bếp lửa khoảng 1 tiếng đồng hồ cho màu lá cẩm cũng như nước cốt dừa ngấm đầy hột nếp, vừa chín khoảng 30% rồi mới gói. Xào cũng là khâu quan trọng. Nếu dư liều nước, bánh nhão, không ngon.

 

 

Đặc sản bánh tét lá cẩm Cần Thơ 2
Các thành phần của bánh tét lá cẩm -  Ảnh: Tùng Quân
Đặc sản bánh tét lá cẩm Cần Thơ 3
Sau khi gói và luộc bánh chừng 4-5 tiếng đồng hồ, bánh chín được cắt ra vừa thơm ngon vừa có màu sắc đẹp rực rỡ, tô điểm cho mâm cỗ ngày Tết.- Ảnh: Tùng QuânẢnh: Tùng Quân

 

Lá chuối gói bánh không được non hoặc già quá; lau sạch, không cần phết dầu, vì nước cốt dừa trong hột nếp khi nấu tiết ra đủ để không làm nếp dính lá khi bánh chín.

Nhân của bánh tét lá cẩm cũng là đậu xanh, có thịt, đặc biệt nhất là có thêm hột vịt muối. Sau khi gói và luộc bánh chừng 4-5 tiếng đồng hồ, bánh chín được cắt ra vừa thơm ngon vừa có màu sắc đẹp rực rỡ, tô điểm cho mâm cỗ ngày Tết.

Màu tím hồng của nếp cẩm làm nổi bật lớp nhân đậu xanh chắc nịch, thịt mỡ trong veo và trứng muối vàng ươm. Khi thưởng thức, miếng nếp thơm và béo quyện trong miếng thịt mềm như có thể tan chảy cùng vị đậu xanh, trứng muối mặn mặn bùi bùi… khiến bất cứ ai thử qua cũng không thể cưỡng lại vị thơm ngon đậm đà của nó.

Mâm cỗ tết của người Sài Gòn dường như rực rỡ hơn rất nhiều nhờ đặc sản bánh tét lá cẩm của xứ gạo trắng, nước trong Cần Thơ.

Theo Thùy Dung (Báo Thanh Niên)